tinhcachconnguoi

Latest Posts
Trong rất nhiều loại trà ở Việt Nam, trà cung đình Huế có phần đặc biệt hơn bởi đây không chỉ đơn giản là một thứ thức uống mà thưởng thức trà cung đình còn là một nghệ thuật, một nét đẹp của mảnh đất di sản

Gọi là trà cung đình bởi thú uống trà, thưởng trà xuất phát từ cung đình Huế. Trước đây, văn hóa này chỉ dành cho vua quan do sự cầu kỳ trong việc chuẩn bị để nấu 1 ấm trà cho đến các nghi thức cầu kỳ của việc thưởng trà, người dân thường không có điều kiện để thực hiện.

Trà cung đình Huế không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là liều thuốc bổ cho sức khỏe. Có nhiều loại trà khác nhau mà mỗi loại lại là một bài thuốc. Có trà dành cho người già để bình ổn huyết áp, có trà dành cho phụ nữ giúp làm đẹp da, có trà lại dành cho thành niên giúp tăng cường sinh lực lại có cả loại dành cho người bị bệnh tiểu đường hay có những loại giúp người uống bắt căng thẳng, giảm stress…



Trà cung đình Huế không chỉ là một thứ nước uống giải khát mà còn là liều thuốc bổ dành cho mỗi người thưởng thức..

Chỉ cần nghe thế thôi là đã đủ biết để có một ấm trà không hề đơn giản. Nguyên liệu để pha trà tất nhiên là gồm phần trà và nước, ngoài ra tùy theo từng vị mà thêm các thành phần hoa, quả hay các loại lá khác nhau. Tuy cũng chỉ từng đấy công đoạn nhưng mỗi công đoạn của trà cung đình cầu kỳ hơn bình thường khá nhiều.Từ việc hái trà đã phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định, hái giờ nào, hái ra sao, cắt ngắt ngọn, ngâm tẩm trà trong bao lâu, phơi và sấy khô như thế nào…Nước để pha trà phải là nước mưa được hứng vào chum, vại sạch; nếu là lấy nước giếng thì phải nước giếng có độ sâu như thế nào…Phức tạp, cầu kỳ như thế mới chỉ là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Đến phần thực hiện mới lắm công phu, nước sôi phải đảm bảo chỉ ở dạng sủi tăm, nước sôi quá già sẽ làm cho trà bị nồng, giảm hương thơm. Nước non sẽ không đủ đảm bảo trà tiết ra đủ chất, đủ vị… Rồi sau đó là tùy vào từng loại trà mà thêm các thành phần hoa, hay quả hoặc một vài thứ lá cây quý nào đó.


Trước kia, trà dành cho vua thường được ướp với sen ở hồ Tĩnh Tâm trong Hoàng Thành. Trà với hương sen tự nhiên cho người thưởng thức cảm giác thư thái, tĩnh lòng…

Người dân ở Huế ngày nay vẫn kể câu chuyện về việc thưởng thức trà xưa kia chỉ dành cho vua. Để pha trà cho vua, vào buổi chiều tối các thị nữ trong cung sẽ chèo thuyền ra hồ Tĩnh Tâm trong Hoàng Thành và cho trà vào giữa những búp sen. Sáng sớm hôm sau sẽ ra hồ sen để lấy trà đã được ướp mùi sen thiên nhiên, tinh khiết pha dâng lên vua. Trà cung đình dành cho vua không sử dụng 1 bộ ấm chén cho cả 4 mùa mà phải có bốn loại chén khác nhau để phù hợp với thời khắc Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đấy là câu chuyện kể về ngày xưa. Giờ đây trà cung đình được bán phục vụ cho mọi tầng lớp. Cách thức pha và thưởng trà cũng không còn quá cầu kỳ như vậy nữa, song với người Huế uống trà vẫn là một hình thức nghi lễ, một nét đẹp văn hóa cần giữ gìn.

Những gia đình làm trà cung đình ở Huế hầu hết đều thuộc dòng dõi vua quan triều nhà Nguyễn với những bí quyết riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Những loại thảo dược hay được sử dụng trong trà cung đình gồm: vối nụ, tim sen, đại táo, hồng táo, khổ qua, cam thảo, hoa hòe, hạt chi chi, hoài sơn, hoa cúc, hoa hồng, atiso… Sau khi được bào chế qua đủ các công đoạn bí truyền của từng gia đình, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm – dương, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào.


Với người Huế, thưởng thức trà là một nghi lễ, một nét văn hóa đẹp cần được giữ gìn.

Người Huế thường uống trà cùng với một loại bánh đặc sản nào đó ví dụ như bánh đậu xanh, hạt sen hoặc kẹo lạc… Các quán trà Huế thường có chung 1 đặc điểm là không gian tĩnh lặng, không khí mát mẻ, khiến cho người thường trà cảm thấy thực sự thư thái, dễ chịu.

Bởi là một nét đẹp văn hóa, một đặc sản riêng của Huế nên hiện nay có khá nhiều quán trà cung đình được mở ở thành phố này. Trong số đó có quán trà Vũ Di, gần đồi Thiên An, quán trà rộng được trang trí theo lối kiến trúc đặc trưng xứ Huế. Sân vườn của quán rợp bóng cây, xen giữa đó là những nhà sàn với mái lợp tranh dành cho khách đến uống trà. Tiếng là trà cung đình nhưng mức giá để thưởng thức thứ nước uống này không hề đắt, chỉ giao động từ 30.000 – 50.000 cho một chén trà. Đến với mảnh đất Di sản này, bên cạnh việc thăm quan những công trình kiến trúc, lăng tẩm thì việc đến và thưởng thức trà cung đình Huế cũng là một việc không thể bỏ qua.

Theo Lan Hương (Cinet)




Hốt hoảng vì tin thành phố đang truy quét chó thả rông, đàn chó xóm X vội tụ tập bàn cách thoát hiểm.

Bác Vện già nhất tất nhiên lên tiếng trước:

- Gâu gâu! Con người thật bất công. Họ thả rông đủ thứ nhưng lại bắt chó thả rông! Chúng ta là loài vật thân thiết nhất với loài người, vậy mà nay lại bị họ đối xử bằng một cung cách đầy bạo lực! Theo tụi bây, phải làm sao?

Một con bẹc giê to lớn cất giọng ồm ồm:

- Thôi bỏ đi, mấy cái vụ phong trào này họ chỉ làm vài bữa, chịu khó chém vè cho tới khi xẹp thì chúng ta lại tha hồ rong chơi!

Cô chihuahua nhỏ bé lắc đầu:

- Lần này em thấy họ kiên quyết lắm, không đùa được đâu!

Tiếng sủa của cô chihuahua dù yếu ớt nhưng làm cả đàn thêm lo lắng. Một con chó Nhật không kiềm chế nổi, tru lên:

- Chết rồi! Tưởng tượng đến cảnh em bị thắt vòng lôi cổ vào xe, bị nhốt vào chuồng, rồi bị giao cho sinh viên ngành y phanh thây trên bàn lạnh... Gâu gâu gâu gâu....

Bác Vện sủa một tiếng lớn át tất cả:

- Vậy thì chúng ta phải làm một kiến nghị để được loài người đối xử tử tế hơn, chứ ai lại hành xử bạo lực như thế!


Biếm hoạ: LEO + LAP (Nguồn Tuổi Trẻ Cười)
Bác vừa dứt lời thì đã có ngay giải pháp từ một chú chó Phú Quốc:

- Muốn chó không ra đường đã có một phương pháp văn minh hơn, mà bảo đảm nếu họ áp dụng thì từ hang cùng tới ngõ hẹp sẽ không còn một bóng chó!

Nói đến đây chú chó Phú Quốc ngưng lại, chờ tới lúc cả đàn bực tức vì nôn nóng mới sủa tiếp:

- Cứ con chó nào chạy ra đường là bắt nộp phí... BOT!

Người già chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc và nghệ thuật trang trí độc đáo. Có một thức bánh là niềm tự hào của người dân xứ phù tang: Wagashi (和菓子) – món bánh ngọt truyền thống. Wagashi là nét tinh tế của ẩm thực Nhật Bản, thể hiện sự hài hòa giữa giá trị mỹ cảm và giá trị dinh dưỡng. Ngày nay, trước sự du nhập ồ ạt của các loại bánh tây, Wagashi vẫn xuất hiện trong các tiệc trà Nhật Bản. Bằng vẻ đẹp riêng, bánh ngọt thuần tuý Nhật Bản vẫn không thôi góp phần điểm sắc thêm hương cho nền ẩm thực truyền thống vốn rất phong phú của xứ sở hoa anh đào.

Hẳn các bạn còn nhớ bộ phim “Asuka” được chiếu trên VTV3 cách đây khoảng 10 năm. Đó là một bộ phim rất hay nói về nghệ thuật làm bánh Wagashi và sự gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản. Lúc đó tôi còn nhỏ, không thể nhớ được nội dung phim, nhưng hình ảnh của những chiếc bánh xinh xắn vẫn được lưu giữ trong trí nhớ. Khám phá về Wagashi là khám phá nghệ thuật chế biến và trang trí độc nhất vô nhị trên thế giới, là khám phá về một thế giới mà cách đây 10 năm đã khơi gợi cho tôi những cảm xúc thật đẹp.

Người Nhật Bản nổi tiếng với sự tôn thờ cái đẹp. Họ quan một món ăn không chỉ cần ngon miệng mà cần “mãn nhãn”. Để có thể làm nên những chiếc bánh nhỏ xinh bên cạnh chén trà nóng đòi hỏi óc thẩm mỹ tinh tế, sự khéo léo kì công cùng những bí quyết từ lâu đời của người Nhật. Hãy cùng chúng tôi khám phá Wagashi nhé!

Wagashi – món bánh ngọt cổ truyền của người dân Nhật Bản



Theo Hán Tự từ “wagashi” đọc là Hòa Quả Tử (nghĩa là bánh ngọt), như vậy “wagashi” là tên gọi chung cho các món bánh ngọt truyền thống lâu đời của Nhật Bản, với thành phần chính là làm từ bột nếp, nhân đậu đỏ và hoa quả. Wagashi xuất hiện vào thời Yayoi nhưng nghệ thuật làm bánh Wagashi chỉ thực sự được thăng hoa vào đầu thời đại Edo (1603 – 1867) do sự cạnh tranh và phát triển của các tiệm bánh ở Kyoto, Edo, Kanagawa… Các loại wagashi tuyệt vời nhất đã xuất hiện trong thời gian này và chúng được dùng trong các buổi tiệc trà, các bữa ăn nhẹ và dùng làm quà biếu cùng với rượu giữa các Samurai. Tên bánh “Wagashi” được đặt ra vào thời kỳ cuối của thời đại Taisho (1912 – 1926) để làm dấu hiệu phân biết với bánh ngọt Phương Tây. Mặc dù bánh Wagashi bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài trong những thập kỷ vừa qua nhưng chúng vẫn giữ được những nét văn hóa riêng của Nhật Bản.

Wagashi – thế giới đa sắc màu hương vị



Nét đặc trưng riêng tạo nên bản sắc đặc biệt của wagashi đó chính là nguyên liệu làm bánh, mỗi một mùa lại có một loại bánh riêng với gam màu và nhịp điệu đặc trưng của mùa đó. Sự kết hợp các giác quan đã kích thích trí tưởng tượng đồng thời tạo sự ngon miệng cho thực khách. Wagashi được đưa vào trong tiệc trà như một cách thể hiện chắt lọc nhất, tinh tế nhất vẻ đẹp của hoa lá, cây cỏ, muông thú. Hình ảnh thiên nhiên bốn mùa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân làm bánh. Mùa xuân, đĩa bánh là muôn hoa khoe sắc. Mùa hè nóng nực thì bánh long lanh, trong suốt, mát rượi như nước. Mùa thu bánh như chiếc lá phong đỏ thắm trong rừng chiều. Mùa đông bánh có dạng những con cá nướng vàng, gợi cảm giác ấm áp của bếp lửa gia đình.

Có rất nhiều loại Wagashi, phổ biến nhất là các loại wagashi sau đây:


Hanabiramochi: chiếc bánh mang hình cánh hoa. Ngày xưa, khi đường còn hiếm và đắt thì đây là món chỉ dành cho hoàng gia thưởng thức vào dịp đầu năm.


Mochigashi:
 làm từ gạo nếp, gói trong lá sồi, ăn vào mùa xuân.


Dango:
 cũng làm từ bột nếp, vo tròn làm thành từng viên nhỏ sau đó xiên vào cây và rưới lên bánh một lớp mật mía


Namagashi: được làm từ bột đậu trắng, pha với màu tạo ra nhiều hình dạng hoa lá đủ màu sắc.


Dorayak: gồm hai vỏ bánh bao bọc xung quanh nhân làm từ đậu đỏ (chú mèo máy thông minh Doraemon rất thích ăn món này)

Monaka: thường mang hình hoa đào hoặc hoa cúc mà nhân chính giữa là đậu đỏ, còn lớp vỏ mỏng giòn làm từ trứng và bột mì.


Manju:
 bánh bột mì hoặc bột củ từ hấp, nhân đậu xay nhuyễn.


Yokan: làm từ rong biển và đường mía, trông giống thạch, ăn rất mát trong mùa hè. Thời xưa đây là món quà tặng phổ biến của giới quý tộc.


Higashi: làm từ bột nếp và đường mía xay nhuyễn, cho vào khuôn và để khô, tương tự như bánh in.

Wagashi – đánh thức 5 giác quan của thực khách




Thị giác


Đối với người Nhật, đây là yếu tố vô cùng quan trọng, bởi điều đầu tiên mà họ quan tâm chính là cách trình bày những chiếc bánh. Mỗi chiếc bánh thường là những bức tranh rất đẹp mô tả vẻ đẹp muôn màu trong cuộc sống. Hình dạng, màu sắc và thiết kế của wagashi, lấy cảm hứng từ thơ ca, tranh vẽ hoặc họa tiết, thường gợi liên tưởng đến thiên nhiên, chim muông, hoa lá…

Vị giác

Trong văn hóa ẩm thực Nhật, người dân rất coi trọng hương vị tự nhiên. Wagashi được làm phần lớn từ các loại đậu và ngũ cốc, nguyên liệu truyền thống và bổ dưỡng nên khi thưởng thức, ta có thể cảm nhận được những hương vị đặc trưng của những nguyên liệu tinh chất từ thiên nhiên.

Xúc giác

Ta có thể cảm nhận được độ mềm mịn, độ ẩm cũng như độ giòn khi cầm trên tay một miếng Wagashi, khi cắt bánh mời bạn bè hoặc khi cho vào miệng thưởng thức. Tất cả đều thể hiện sự tươi ngon và tính độc đáo của các nguyên liệu.

Khứu giác

Wagashi có hương thơm rất nhẹ nhàng, tinh tế. Yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hương thơm phảng phất, dễ chịu không lẫn của Wagashi chính là nguyên liệu làm bánh. Mùi thơm thoang thoảng, ngọt dịu của Wagashi vừa gia tăng hương vị của món ăn, vừa giữ được vị của đồ uống đi kèm.

Thính giác

Sức lôi cuốn của Wagashi đối với thính giác xuất phát từ những tên gọi trữ tình của chúng. Nhiều tên gọi bắt nguồn từ văn thơ kinh điển, một số khác lại gợi nhớ về một mùa nào đó trong năm. Tên gọi của các loại bánh Wagashi đều rất trang nhã, dễ nghe. Đó thường là tên gọi những loài hoa đẹp, những cảnh thiên nhiên thanh tịnh, được rút ra từ những bài thơ trữ tình Nhật.

Có thể thấy, với việc tận hưởng cả 5 giác quan khi thưởng thức wagashi sẽ khiến thực khách cảm nhận được nhiều hương vị và cảm xúc riêng. Văn hóa ẩm thực Nhật phảng phất tính thiền, làm bánh hay ăn bánh đều là quá trình tĩnh tâm, hướng đến cái đẹp. Vị thơm bùi của ngũ cốc, vị ngọt thanh của đường mía sẽ được cảm nhận trọn vẹn khi thực khách ý thức rằng mình đang thưởng thức cuộc sống.

Wagashi – sức sống văn hóa lâu bền theo năm tháng

Khám phá nghệ thuật làm bánh Wagashi là thêm một lần khám phá vẻ đẹp văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Thời đại dù có đổi thay như thế nào đi chăng nữa, vẫn có những giá trị sẽ không bao giờ thay đổi. Đó là những tinh hoa văn hóa đặc sắc mà bao thế hệ người Nhật đã gìn giữ và phát triển. Trận siêu động đất và sóng thần tháng 3 vừa qua có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, nhưng sẽ không thể hủy diệt được sức sống của những giá trị văn hóa lâu bền. Wagashi, sushi, trà đạo hay tinh thần samurai, vẫn sẽ được lưu truyền tới những thế hệ mai sau.

Thành phần chính của Wagashi


Nhiên liệu để làm bánh Wagashi chủ yếu từ thực vật như: đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, gạo, thạch rong biển katen, bột mì, bột gạo và đường làm từ mía wasambon. Những nguyên liệu giàu đạm thực vật và ít mỡ động vật sẽ rất tốt cho những người cần giảm lượng cholesterol trong máu.

Ở Nhật có hàng trăm loại wagashi khác nhau, mỗi loại có thành phần riêng biệt , nhưng nhìn chung chủ yếu đc làm từ các nguyên liệu chính rất quen thuộc đối với người Nhật

1.Azuki ( đậu)

Có 2 loại azuki là red azuki ( đậu đỏ) và white azuki ( đậu trắng) . Đậu ở Nhật được trồng và thu hoạch theo phương pháp đặc biệt, Khi làm wagashi, người ta nấu chúng thành những hỗn hợp đặc, nhão được gọi là “An ” . Thông thường, “An” được dùng làm nhân của wagashi

2. Kanten


Một nguyên liệu màu trắng làm từ tảo biển , rất giàu chất xơ, được dùng để làm các món wagashi giống như thạch rau câu như Yokan

3.Wasambon


Mời các bạn cùng xem thêm những hình ảnh hấp dẫn và đặc sắc của Wagashi:



















by mimi


Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Tử Hoa Tử nói: "Gớm thay tâm thuật hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.
(Tử Hoa Tử)


LỜI BÀN:
Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc. Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau là lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!


CHÚ THÍCH:
Tử Xa: quan Ðại phu nước Tần.
Tâm thuật: cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia.
Chuyển di: Thay đổi.
Thế lợi: quyền thế, tài lợi.
(trích trong Cổ Học Tinh Hoa)

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và câu chuyện “Đêm tàn bến ngự”

Trong làng âm nhạc Việt Nam, những cô gái xứ Huế từng là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhạc phẩm ra đời. Như trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, ngoài nhạc phẩm “Chiều trên phá Tam Giang”, còn lại gần như không hề có một danh từ nào chỉ địa danh Huế. Ấy nhưng người ta vẫn nhận ra Huế bàng bạc trong ca từ của ông. Và nữa, thật nhiều những bóng hồng xứ Huế, ví như thật mơ hồ “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”, và có khi thật rõ ràng không trộn lẫn với “Diễm xưa” huyền thoại… Có một câu chuyện khác ít người biết, nàng “Thu Hương” của Huế những năm 1940 đã khiến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác bài tình ca đầu tiên “Hương giang dạ khúc” theo phong cách dân ca Huế. Đó là một ca khúc hiếm hoi nhạc sĩ lừng danh này viết về miền sông Hương núi Ngự…


Lạ lùng thay, cũng trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (sinh năm 1915, quê Hà Đông, Hà Nội) có một chuyến rời Hà Nội đến Huế rồi vào Sài Gòn; để rồi từ Huế, âm nhạc Dương Thiệu Tước được chắp cánh bởi lời ca của một người con gái Huế, ca sĩ Minh Trang.


Huế ngày ấy ắp đầy màu tím biếc thành quách cổ kính rêu phong, lưu dấu bao tình. Sông Hương ngày ấy, bãng lãng mây chiều với những con đò như chiếc lá chầm chậm trôi giữa lau lách ven sông và những bóng cây cổ thụ ven bờ. Sông Hương ngày ấy, vầng trăng như mắt người thương xa vắng u hoài, buồn đến trĩu lòng như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng trên sông Hương, xưa nay gợi biết bao mối sầu)… Khung cảnh Huế đầy mộng mơ, khiến tâm hồn lãng tử của Dương Thiệu Tước như dây đàn tơ rung trước gió, những giai điệu như chỉ cần một bàn tay mềm mảnh mai chạm tới, sẽ trào ra con sóng trên sông Hương.


Vợ chồng Dương Thiệu Tước - Minh Trang
Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều đến Bà Chúa Nhứt là chị ruột vua Thành Thái. Bà là người dòng dõi song tính tình rất nghệ sĩ, không câu nệ, nuôi hẳn cả một ban nhạc trong nhà. Bà Chúa Nhứt chính là bà ngoại của ca sĩ Minh Trang. Do cha thường đi kinh lý xa nhà, Minh Trang thường được gần gũi với bà ngoại và từ nhỏ đã thuộc nhiều làn điệu dân ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Kìm Tiền, Lưu Thủy… Những năm 40, tiếng hát của Minh Trang phát trên sóng phát thanh hay đến nổi nhiều nhạc sĩ miền Bắc hồi đó đã gửi bài hát về nhờ ca sĩ hát, trong đó có các nhạc sĩ Vũ Thành, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Thẩm Oánh… và cả Dương Thiệu Tước. Rồi như duyên tiền định, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bất ngờ gặp ca sĩ Minh Trang trong một lần ca sỹ ra Hà Nội hát, mở ra một kết cục có hậu sau này cho cuộc tình nghệ sĩ.

Quay trở lại thời gian dừng chân ở Huế, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm rất nhiều làn điệu dân ca Huế. Cũng trong thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân tộc, trong đó có cả nhạc phẩm “Tiếng Xưa”, mở đầu cho nhiều ca khúc mang âm hưởng dân tộc sau này. Sau những ngày lênh đênh trên sông Huế, Dương Thiệu Tước quyết định rời Cố đô vào Sài Gòn sinh sống.


Trước ngày lên đường, Dương Thiệu Tước được bạn bè tổ chức nhiều cuộc rượu tiễn đưa. Đêm cuối cùng rời Huế, chiếu rượu giang hà ngập sương trăng được một người bạn bày ra trong một con thuyền trôi trên sông Bến Ngự. Cho đến khi vầng trăng hạ tuần lên đầu non về sáng, Dương Thiệu Tước chợt nhiên đứng dậy, ra đầu mũi thuyền ngồi một mình, mắt suy tư nhìn ra cửa sông mơ hồ bãng lãng. Nhạc hứng bỗng từ đâu giữa trời đầy trăng sao sông nước dâng lên, Dương Thiệu Tước vội vàng lấy giấy ra ghi lại ngay bên mạn thuyền. Nhạc sĩ viết một mạch xong ca khúc, trở vào khoang thuyền đặt bài hát vừa hình thành dưới ngọn đèn dầu và cất tiếng ca tặng bạn. Những người tham dự cuộc rượu tiễn đưa lòng ai nấy đều nao nao trong ánh trăng sáng ven trời. Dương Thiệu Tước hát xong liền đặt tên cho sáng tác mới này là “Đêm tàn Bến Ngự”.

Với người Huế ly hương thì bài hát này khiến họ phải tê buốt lòng, mong ngóng về cố xứ. Nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: “Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ánh đúng tâm hồn dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến những bài hát bất hủ như “Tiếng xưa”, “Đêm tàn Bến Ngự”… Năm 1960, khi viết về Dương Thiệu Tước trong cuốn “Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại”, nhạc sỹ Lê Hoàng Long đã xếp “Đêm tàn Bến Ngự” là nhạc phẩm có giá trị vĩnh cửu hay nhất của Dương Thiệu Tước.


Ngày 1/8/1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vĩnh viễn ra đi, để lại cho âm nhạc Việt Nam những ca khúc bất hủ: “Ai về Bến Ngự, cho ta nhắn cùng… Nhớ chăng…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi đến viếng ông đã viết: “Anh đã sống một cuộc đời thầm lặng và muốn lãng quên cuộc đời bằng cách xa lìa mọi hệ lụy của cuộc sống này để cưu mang một tình riêng dù đời có hiểu hay không. Anh sống như vậy cũng có một màu sắc riêng biệt của đời anh…”.

THANH NGỌC

Nguồn: Thừa Thiên Huế Online



Bài viết này của tôi chỉ dành cho những người xấu tính, những người xấu tính biết mình xấu tính, những người biết mình xấu tính và thực sự muốn thay đổi tính xấu (có cả tôi nữa). Bài viết này cũng dành cho những người không xấu tính nhưng có cái nhìn bao dung, thông cảm cho những người xấu tính.
Và bài viết này cực kì lành mạnh, không chửi, không châm biếm, không mỉa mai, không bới móc đời tư hay đụng chạm đến ai. Tôi chỉ cố gắng chia sẻ những gì mình hiểu biết, mong muốn bạn đọc hiểu biết, biết để yêu thương bản thân, để có cái nhìn tích cực và linh động hơn về những người đã từng đối xử không tốt với các bạn.

TẠI SAO CHÚNG TA XẤU TÍNH?


Chúng ta hay truyền tai nhau những thứ lý thuyết về những người giàu có rằng họ may mắn, họ là con ông cháu cha hay họ làm ăn gian dối, thủ đoạn nên mới giàu có dễ dàng như vậy. Một phần lớn những người thuộc giai cấp trung lưu và thấp hơn đều nghĩ rằng người giàu họ khinh thường mình, họ hoạnh họe, hách dịch hay còn được gọi là “chảnh”. Chúng ta (những người bạn của tôi, như tôi đã nói trước ở đầu bài viết) cảm thấy không thoải mái với người giàu, với người giỏi, với những người xinh đẹp bảnh bao hơn chúng ta, và điều đó bình thường thôi. Chúng ta mà nói ngược lại mới là không bình thường. Nhưng cái bình thường này lại không phải là điều tốt, vậy thì rốt cuộc ta phải làm sao đây?


Có ai dám nhủ thầm với chính mình rằng mình ghét nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình thích hạ nhục nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình ao ước được sống cuộc sống như nó? Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta từng tự nhủ thầm với chính mình rằng mày vô dụng, mày bất tài, mày không bằng nó. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta làm những điều mình không muốn chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ xem thường mình, “họ” sẽ đánh giá mình. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta đôi khi cũng thích “diễn” một chút, nói quá một chút, phô trương một chút chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ biết con người thật của mình.
Cái con người “không là ai” này, cái con người “không có gì đặc biệt” này. Chúng ta giấu diếm, không dám nói thật, không dám sống thật vì ta sợ người khác nhìn mình đúng y hệt như cái cách chúng ta nhìn bản thân. Đôi khi chúng ta xấu hổ, chúng ta bị tổn thương nhưng cuối cùng nó được che đậy bằng sự giận dữ, người ta rất thường xuyên làm điều này, không phải sao?


Nhưng tôi muốn nói thế này, các bạn, người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không đồng ý. Người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không tự xem thường chính mình. Cái này được gọi là tự ti. Tự ti là nguồn gốc của ghen tị, là nguồn gốc của đố kị, là nguồn gốc của dối trá, là nguồn gốc của ảo tưởng. Và ghen tị, đố kị, dối trá, ảo tưởng không phải là tội lỗi. Đó là tiếng kêu cứu.
Từ sâu bên trong tâm hồn, ta đã đánh mất điều gì đó rồi, đánh mất quyền được hạnh phúc, quyền được ước mơ, quyền được tự do trở thành bất kì ai ta muốn. Ta vội vã trưởng thành và quên mất mình là ai, quên mất mình sống vì điều gì, chúng ta đã quên mất những điều ngây thơ thuở bé ta mơ mộng. Điều đáng buồn là những điều cỏn con đó trong mắt người lớn giống như là trò cười, bởi thế người ta mới bảo rằng chuyện con nít. Người lớn khiến ta tin rằng những điều đó chỉ là trò cười, và ta đã bỏ quên tuổi thơ như thế đó.


Các bạn, người khác có thể không cần biết chúng ta muốn gì nhưng chính chúng ta phải tự biết mình muốn gì. Đừng bao giờ xem thường tuổi thơ, đừng bao giờ xem thường những mơ ước thuở ban đầu vì những thứ thuộc về thời thơ ấu hình thành nhân cách của một con người. Nó là hạt giống, đơm hoa kết trái hay là hư hỏng đều là từ thuở ban đầu đó mà ra.
Vài người trong số những người lớn, bằng cách nào đó đã đi chệch xa ra khỏi giá trị đích thực của mình mất rồi, và đó là cách chúng ta kêu cứu. Hãy tự cứu lấy chính mình vì tôi hiểu ngọn lửa đố kị thiêu đốt chúng ta như thế nào, chúng ta đau khổ ra sao. Chúng ta xấu tính (ử, tôi đã nói trước bài viết này dành cho những ai xấu tính) thì chỉ có chúng ta đau khổ mà thôi. Những người hiểu chuyện, họ đã nhanh chóng tránh xa ta từ xa thật xa rồi. Hãy lắng nghe sự thật, lắng nghe con tim mình, đối diện với con quỷ và giết nó đi chứ đừng giết ước mơ, tự do và hạnh phúc của mình.


Bạn có bao giờ để ý rằng những người nghệ sĩ họ rất kiêu hãnh không? Không phải kiêu căng mà là kiêu hãnh cho dù họ giàu có hay là không. Tôi nói là nghệ sĩ nhé và ai không xứng đáng mang danh nghệ sĩ thì tôi không nói người đó. Tôi tự cho rằng, có lẽ họ đã sống thực sự hết mình, thực sự đam mê, thực sự cống hiến, họ thật sự cảm thấy thỏa mãn sống cuộc sống của mình, bên trong họ luôn luôn được lấp đầy, luôn luôn được thể hiện và chia sẻ. Họ biết mình là ai, họ biết mình muốn gì, họ sống cho chính mình và không so sánh bản thân với người khác. Cái này được gọi là tự trọng.
Dĩ nhiên, bài viết này chỉ hướng đến một góc rất nhỏ trong vô vàn các kiểu tính xấu ở các lứa tuổi, ở các cấp bậc trình độ ý thức khác nhau. Có những nguyên nhân là từ văn hóa của một nước, của một gia đình, của giáo dục vân vân.Cho nên, một lần nữa, tôi xin đính chính rằng bài viết này không mang tính chất dạy đời. Tôi viết cho mình và cho những ai muốn hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu để thương. Hãy yêu thương và tha thứ cho chính mình.
Quyên Quyên
(Sưu tầm trên mạng)


Nằm cách thành phố Sydney 100km về phía Tây, dãy Núi Xanh (Blue Mountains) là một kỳ quan độc đáo của Australia, được UNESCO xếp vào danh sách di sản thiên nhiên của thế giới năm 2000.

Với diện tích 11.400km2, khu bảo tồn thiên nhiên này là một tổng thể bao gồm núi cao, rừng nguyên sinh, thác nước, thung lũng, vực sâu, vách đá dựng đứng… Điều kỳ lạ nhất là không khí ở đây có một màu xanh nước biển bàng bạc khắp nơi, do đó có tên gọi là Núi Xanh.

Thị trấn của người Việt


Trên đường đến Núi Xanh, chúng tôi đi ngang qua thị trấn Cabramatta, khu dân cư của người Việt ở Australia.

Khi ở thành phố Melbourne (thủ phủ bang Victoria ở vùng Tây Nam nước Australia), chúng tôi có đi thăm thị trấn Footscray của người Việt, ghé vào chợ, dạo qua các cửa hàng, nói chuyện với những người Việt sinh sống ở đây, cảm thấy như mình đang ở một tỉnh lẻ của Nam bộ.



Đêm Trung Thu 2016 ở Cabramatta
Nhưng đến Cabramatta, xe chúng tôi không dừng lại lâu, chỉ chạy từ từ qua các phố để chúng tôi ngắm nhìn quang cảnh. Nhà cửa ở đây không khang trang bằng những khu của người Australia da trắng, diện tích cũng nhỏ hơn so với khu người Việt ở quận Cam (bang California, Mỹ).

Thăm công viên hoang dã

Địa điểm tiếp theo mà chúng tôi dừng chân lại để tham quan là công viên hoang dã có tên Featherdale Wildlife Park. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các loại thú và chim của Australia.


Chuột túi trong công viên hoang dã thân thiện với người
Trước hết là con chuột túi kangaroo, biểu tượng của đất nước này. Thông thường, người ta chỉ nhìn thấy trong sách báo, phim ảnh loại kangaroo to lớn. Đến công viên hoang dã này, mới biết rằng có nhiều chủng loại kangaroo.

Lớn nhất là loại kangaroo đỏ và xám, chúng có thể cao đến 2 mét và thực hiện cú nhảy xa đến 9 mét. Còn có loại kangaroo chỉ to bằng con chó nhỏ, có tên là wallaby và wallaroo. Ngoài ra, có chín chủng loại kangaroo chuột (chỉ to bằng con chuột).


Du khách chơi đùa với gấu koala ở Featherdale Wildlife Park
Còn có loại kangaroo sống trên cây, tại những khu rừng ẩm ướt phía Bắc bang Queensland, suốt ngày chúng ở trên ngọn cây, đến tối trèo xuống ăn các loại côn trùng và cỏ non.

Chú gấu koala bé nhỏ dễ thương, di chuyển chậm chạp cũng là một loài động vật riêng biệt của Australia. Giống như kangaroo, gấu koala có một chiếc túi để đèo con trước bụng.

Đến công viên, du khách và nhất là trẻ con thích thú khi được ôm ấp chú gấu koala hoặc vuốt ve những con kangaroo và tận tay đưa thức ăn vào miệng chúng.


Laughing Kookaburra 
Một vài loài thú lạ có thể kể thêm như: emu – loài chim giống như đà điểu, cao đến 1,8 mét, không biết bay, chỉ biết chạy với tốc độ 50km/giờ; echidne có lông xù như con nhím nhưng khác ở chiếc mỏ dài và cứng; opossum giống như con chồn nhưng có đuôi dài hơn và cũng có thể bắt được mồi; tasmanian devil giống như lợn con nhưng mặt rất dữ tợn; dingo – một loài chó rừng…

Vì sao không khí có màu xanh?

Đến khu Núi Xanh, trước hết chúng tôi ghé lại Katoomba, một thành phố nhỏ xinh xắn có nhiều tòa nhà cổ xây dựng theo phương cách kiến trúc thời nữ hoàng Victoria (thế kỷ XIX). Đây là trung tâm hành chính của khu vực Núi Xanh, cũng là nơi tập kết của các đoàn du khách trước khi đi vào khu bảo tồn thiên nhiên.

Cuộc tham quan thật là kỳ thú, xe bus chỉ đưa du khách đi thêm một quãng đường, còn lại đều phải đi bộ.


Cáp treo với đáy kính trong suốt (Scenic Cableway)
Không gì thư thái cho bằng tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên khi đi vào những khu rừng già, khi len qua những vách núi, khi ngắm những thác nước trắng xóa, khi lên đỉnh núi cao ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tắm mình trong một màu xanh dương nhàn nhạt.

Đặc biệt, khi nhìn qua những vệt nắng, bạn sẽ cảm nhận được màu xanh rõ hơn và dường như chuyển động trong không khí.

Những cánh rừng bao phủ vùng Núi Xanh có rất nhiều cây khuynh diệp. Hiệu ứng màu xanh ở đây là do tia nắng mặt trời chiếu vào những hạt dầu li ti từ những cánh rừng khuynh diệp tỏa ra trong không khí.


Xe lữa với nóc bằng kính trong suốt (Scenic Railway)
Du khách tiếp tục đi tham quan hầm lò, nơi xưa kia người ta khai thác than đá, nhưng nay đã thành hoang phế. Một trò chơi giải trí ở đây là đi xe điện bánh răng cưa, trượt theo dốc núi gần như thẳng đứng xuống thung lũng Jamison, để từ đây tiếp tục đi bộ, khám phá thêm những vẻ đẹp của thiên nhiên.

Truyền thuyết Ba Chị Em


Một địa điểm nổi tiếng ở Blue Mountains là núi Ba Chị Em (Three Sisters) nằm bên cạnh thung lũng Jamison. Đây vốn là một khối đá sa thạch khổng lồ, bị bào mòn bởi gió, mưa và các dòng nước nên nứt ra, hình thành ba ngọn núi đứng cạnh nhau.

Ba Chị Em có tên là Meehui (cao 922m), Wimlach (cao 918m) và Gunnedoo (906m).


Thác nước trong rừng
Theo truyền thuyết của thổ dân, xưa kia có ba chị em thuộc bộ lạc Katoomba sống ở thung lũng Jamison. Họ yêu ba anh em thuộc bộ lạc Nepeam ở gần đó. Tập tục khắt khe của bộ lạc ngăn cấm họ lấy nhau. Tức giận, các chàng trai phát động cuộc chiến để giành các cô gái.

Để bảo vệ ba cô gái khỏi bị giết, một phù thủy đã làm phép biến họ thành ba khối đá. Rủi thay, vị phù thủy đó tử trận, vì thế không có ai làm phép để ba cô gái hóa đá trở lại thành người.


Echo Point, Katoomba, Blue Mountains

Để ngắm nhìn Ba Chị Em rõ nhất, du khách đến một địa điểm gọi là Echo Point (đỉnh tiếng vang). Từ đây, nhìn thấy ba kiều nữở phía đối diện với vách đá có màu vàng nhạt tương phản với màu xanh chung quanh, đó là hệ quả của sự bào mòn vẫn tiếp diễn.

Vẻ đẹp thiên nhiên tăng thêm phần hấp dẫn bởi câu chuyện truyền thuyết đầy kỳ thú.


Trần Vĩnh An
Nguồn: DNSDCT


Link tham khảo thêm:
https://www.bluemts.com.au/1012/scenic-world/