Latest Posts

CUỘC CHIẾN BÊN TRONG VÀ NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI

By 06:56

Nếu các bạn có đọc qua bài "Tô Đông Pha bàn về cách suy nghĩ", người ẩn sĩ hỏi TĐP cái thùng nào sẽ hết nước trước. Câu trả lời của TĐP là: “Chiếc thùng với cái lỗ nhỏ tí xíu.”. Người ẩn sĩ đáp: “Suy nghĩ [quá nhiều] không tốt chút nào cả, bởi vì người ta hiếm khi nhận ra sự mất mát liên tục của họ.”
Chắc các bạn cũng đã suy nghĩ nhiều lắm phải không ? Có bài viết hôm nay sẽ góp phần giải thích thêm phần nào câu chuyện của Tô Đông Pha hay sẽ làm các bạn phải suy nghĩ thêm nhiều nữa ?

CUỘC CHIẾN BÊN TRONG VÀ NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI

Tôi nghe ngoài kia họ lên lớp, truyền tai nhau về cái tốt và cái xấu, họ bảo rằng nghèo đói cần xóa bỏ, chiến tranh cần chấm dứt, thậm chí cái tôi cá nhân cuối cùng cũng nên bị đè bẹp. Cái tư tưởng muốn thay đổi mọi thứ ấy nhan nhản khắp hẻm ngang ngõ dọc khiến một đứa con nít bây giờ cũng đầy ắp trong đầu những suy nghĩ “thay đổi thế giới” “thay đổi chính mình”. Và thế là đứa trẻ đáng thương bắt đầu đi rình rập, bới móc mọi thứ, tranh đấu giữa những cái nó đang là và cái nó muốn trở thành, và rồi khi cuộc tranh đấu thất bại hay không đi được đến hồi kết thì nó đau khổ vật vã. Cuộc chiến bên trong ấy đã châm ngòi cho nỗi thống khổ của hầu hết mọi người.
Vì sao có sự tranh đấu?
Vì sao một người muốn thay đổi một cái gì đó? Vì sao xuất hiện sự phán xét? Câu trả lời là người đó đang bị chia rẽ. Nghĩa là họ quan sát mọi thứ với một thái độ tách rời: Người quan sát và vật được quan sát. Khi đã tách đôi ra như vậy thì phán xét sẽ dễ dàng nảy sinh theo chiều hướng: “Tôi là người quan sát, và tôi nhìn thấy anh không được ổn lắm, tốt hơn là anh nên thay đổi đi… Sao cơ? Anh sẽ không thay đổi á? Vậy thì tôi sẽ làm điều đó giúp anh… Chết tiệt, đồ cứng đầu ngu xuẩn này, tao sẽ giết mày, mày sẽ chẳng còn gì để mà thay đổi nữa, đồ khó thay đổi ạ!”


Sự chia rẽ ấy đẻ ra một cái tôi, và bạo lực kéo đến một cách nhanh chóng như vậy.
Ví dụ như này nhé, anh A nhìn cơ thể gầy gò của mình và cho rằng chẳng cô gái nào sẽ ưa mình nên anh đã quyết định đi tập thể hình. Sau 6 tháng miệt mài, anh chỉ lên được 1kg, anh buồn vì nỗ lực mình không được đền đáp xứng đáng, anh tiếc tiền bỏ ra, và anh lại càng thêm chán ghét cái thân hình khẳng khiu gầy ốm của mình. Tiếp tục đi tập thêm 6 tháng nữa, anh sút 1kg vì quá sức. Kết quả sau 1 năm nỗ lực: Anh chửi rủa chính mình và sinh ra căm thù bọn con gái!
Chị B được dạy rằng hãy chánh niệm, hãy quan sát mọi tư tưởng khi nó nổi lên và không phán xét chúng. Chị về nhà làm theo. Khi suy nghĩ nổi lên, chị thấy nó và tự bảo với chính mình rằng: “Ồ, thầy dặn là không được phán xét.” Và chị không phán xét gì cả. Nhưng chị lại chẳng biết rằng chính chị đang phán xét việc chị có đang phán xét hay không. Khỉ thật! Chị đang tranh đấu với chính mình chứ không phải với những suy nghĩ kia nữa. Chị B không hề biết điều đó vì chị còn đang bận hài lòng với việc chị đã không hề phán xét một suy nghĩ nào trong suốt cả ngày. Kết quả là: Chị thất niệm vì nỗ lực chánh niệm của chính mình.

Và cả những người hay than vãn, bới móc, chửi rủa không chừa một ai, không chừa một cái gì cho đến những người đấu tranh cho hòa bình, tự do, hay cố gắng thay đổi chính mình để được hạnh phúc, họ đều đang lên cơn điên hết thảy. Tất cả đều phân mảnh tứ tung bên trong, họ quan sát thế giới với một cặp mắt đầy sự chia rẽ. Một cây đào chẳng bao giờ chán ghét cành lá của nó hay muốn thay đổi một cây cam sao cho giống nó cả. Tất cả mọi người đều biết đó là hoa đào chứ không phải bất kỳ loại hoa nào khác.


Còn cây đào đơn giản chỉ nở hoa, nó BIẾT chính mình mà không cần bất kỳ ai trên thế giới này phải biết hộ và đi đặt tên cho nó là Đào! Khi một người nhìn tất cả mọi thứ như nó đang là thì sẽ không có gì cần phải thay đổi, tất cả hòa làm một, không còn ranh giới giữa người quan sát và đối tượng quan sát. Nên không có tranh đấu, không tiêu tốn quá nhiều năng lượng, không có phát điên hay đau khổ.

Người ta chẳng làm được tích sự gì khi chia rẽ và đấu tranh cả, ngoài việc khiến mọi thứ rối tung rối mù hết thảy rồi lại tất bật đi giải quyết mớ hỗn độn đấy. Như Masanobu Fukuoka, tác giả của cuốn The One – Straw Revolution đã nói rằng:
“Nó giống như một tên khùng nhảy lên mái nhà và làm vỡ vài viên ngói trên mái nhà của anh ta. Sau đó khi trời mưa thì nước bắt đầu thấm và chảy xuống trần nhà, anh ta bắc thang lên và tìm mọi cách để sửa chữa cái trần nhà, và sau đó hớn hở khi tìm được một giải pháp nào đó.”


Vậy làm thế nào để không tranh đấu nữa?
Nếu bạn hỏi rằng làm thế nào để mọi sự tuôn chảy tự nhiên, không còn tranh đấu bên trong nữa, nhìn mọi thứ như nó đang là? Câu trả lời là: CHẲNG LÀM THẾ NÀO CẢ. Vì khi còn hỏi “làm thế nào”“ tức là bạn vẫn đang tách mình khỏi mọi thứ, vẫn còn phân tích, phán xét đúng-sai, ngọn lửa muốn thay đổi vẫn đang bập bùng trong con người bạn. Đến một ngày bạn sẽ bị nó thiêu rụi trong khi vẫn đang mải miết tìm kiếm một cách để tuôn chảy!
“Không làm thế nào cả” không có nghĩa là không làm gì cả, ngồi một chỗ và bảo với tất cả những ai thắc mắc về việc bạn đang chảy thây ra, rằng: “Mọi thứ cứ để tự nó làm việc, ta không cần làm gì hết sất.” Vậy mình cũng xin thưa rằng, một hồ nước không lưu thông là hồ nước chết. “Không làm gì cả” bản chất là không làm những gì chia rẽ, hay tranh đấu, hay chống lại việc “đang là” của mọi việc, mọi người. Bạn vẫn sẽ làm mọi thứ, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, giao tiếp, suy nghĩ, nhưng với một cái nhìn của sự hòa hợp, tất cả là một.
Người ta cảm thấy việc “không làm gì cả” này quá khó khăn hay ngu xuẩn, vì họ đã xây dựng thói quen “làm” mọi thứ ấy qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời rồi, chuyện buông bỏ không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều được. Họ đã quen bới mọi thứ lên, bóp méo tất cả, chia nhóm nhỏ cho từng loại, sắp xếp phải-trái, xấu-đẹp đâu ra đấy và gọi nó là TRẬT TỰ. Cái trật tự ấy mang đến cho họ sự an toàn và họ tiếp tục xây dựng vương quốc ấy ngày càng lớn mạnh.


Khi có một kẻ lang thang vật vờ ở đâu đó tới và bảo rằng hãy đi ra khỏi vương quốc và hòa nhập với tự nhiên, thì phần lớn họ bên trong lòng sẽ thầm nhổ thẳng vào kẻ ất ơ kia, còn ngoài mặt sẽ bảo rằng: “Anh có thể tới sống ở vương quốc này, tôi sẽ sắp xếp cho anh một chốn thích hợp.” Và nói nhỏ hơn để kẻ kia không nghe thấy: “Tốt hơn là mày nên bị cai trị!”
Bạn hãy thử nhìn một con mèo xem, chỉ nhìn thôi, bằng toàn bộ trái tim bạn, một cách chăm chú nhất, sao cho đến khi bạn cảm thấy không còn ranh giới giữa mình và con mèo đó nữa. Bạn không thấy mình ở đây và con mèo ở đó nữa, mà bạn thấy mình ở trong con mèo và nó lại ở trong bạn. Đó chính là khoảnh khắc bạn không bị chia rẽ, không có mầm mống chiến tranh, không đau khổ. Bạn thấy một sự bình an và im lặng tuyệt đối. Nhưng nếu lúc đó con mèo bỗng nhảy dựng lên và cào vào mặt bạn thì bạn muốn quan sát sự việc này như thế nào thì tùy!
Bản chất của “bất bạo động” không phải là không sử dụng bạo lực, không manh động, mà là để mọi sự tuôn chảy tự nhiên. Bạn không thể chấm dứt chiến tranh bằng cách tạo ra chiến tranh, bạn chỉ có thể chấm dứt nó bằng cách để hòa bình phát triển. Bạn không thể xóa bỏ một nỗi đau đớn bằng cách át chế hay phủ nhận, nó chỉ ra đi khi bạn chấp nhận và yêu thương.
Bạn bảo rằng khi có chiến tranh thì lấy đâu ra hòa bình mà phát triển, hay khi đang đau đớn thì sao mà chấp nhận và yêu thương được. Bạn đã nhầm to! Khi có đen thì hẳn sẽ có trắng, những ngôi sao sẽ chẳng sáng nổi nếu như không có bầu trời đêm. Luôn có một nơi cho hòa bình, cho tha thứ và thương yêu nếu trên thế giới vẫn còn chiến tranh, thù hằn và sợ hãi. Khi bước chân vào vùng đất hòa bình đó thì bạn sẽ không cần phải đấu tranh cho hòa bình nữa. Chiến tranh sẽ tự chấm dứt và khổ đau cũng tự tiêu tan.


Giống như bạn không thể xóa bỏ được tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng cho rau củ một cách tràn lan hiện nay. Việc bạn có thể làm là tự đi trồng rau sạch hoặc tìm mua rau sạch về mà ăn. Không có than vãn, không có chửi rủa, không có phiền não! Tất cả chỉ có rau sạch. Chấm hết.
Khi quả cầu ánh sáng đủ lớn, nó sẽ nuốt chửng quả cầu bóng tối mà không cần làm gì khác ngoài việc là chính nó.
Tóm lại, nơi nào sự sống được tuôn chảy, nơi đó có hạnh phúc, tự do và trật tự. Còn nơi nào có sự chia rẽ, nơi đó có phán xét, áp đặt, bạo lực và đau khổ. Hãy ngừng tranh đấu ở bên trong và để mọi thứ tự nó vận hành, như gió thổi và nắng chiếu. Còn không thì cứ tiếp tục bới tung mọi thứ lên như bạn đã và đang làm, chúng ta đều có tự do ý chí cả.
Vũ Thanh Hòa
(Sưu tầm trên mạng)


You Might Also Like

0 nhận xét